[LỜI GIẢI] : Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau để thấy được một trong những đặ - Tự Học 365
LUYỆN TẬP TRẮC NGHIỆM 50000+ CÂU HỎI

DÀNH CHO MỌI LỚP 6 ĐẾN 12

TRUY CẬP NGAY
XEM CHI TIẾT

: Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau để thấy được một trong những đặ

: 
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau để thấy được một trong những đặ

Câu hỏi

Nhận biết

(5,0 điểm):

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau để thấy được một trong những đặc điểm về phong cách nghệ thuật của nhà thơ Quang Dũng là hồn thơ lãng mạn và tài hoa:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rài rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2013, tr.89)


Đáp án đúng:

Lời giải của Tự Học 365

Giải chi tiết:

GIỚI THIỆU CHUNG

- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca trong kháng chiến chống Pháp với hồn thơ đầy cảm hứng lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, giàu chất mộng mơ. Trong suốt cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa ấy, có lẽ khoảng thời gian đáng nhớ nhất là những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến. Biết bao kỉ niệm sâu sắc, bao vẻ đẹp bi tráng và hào hùng của một quãng đời không thể quên nơi miền Tây tổ quốc được Quang Dũng tái hiện trong bài thơ “Tây Tiến”.

- Viết về Tây Tiến, Quang Dũng viết bằng dòng hồi ức. Và trong dòng hồi ức ấy, nỗi nhớ đồng đội luôn xao động, gợi về những kỉ niệm, hình ảnh thân thương, tha thiết, sâu lắng. Ta bắt gặp dòng hoài niệm về đồng đội, về những tình cảm, nỗi lòng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc… Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Đoạn thơ tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn và tài hoa của nhà thơ Quang Dũng.

PHÂN TÍCH

1. Phong cách nghệ thuật

- Phong cách nghệ thuật là những nét riêng biệt, độc đáo của các tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của văn bản. Đó là sự thể hiện tài năng của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua hình ảnh, ngôn ngữ mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

- Một trong những nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Quang Dũng là hồn thơ lãng mạn và tài hoa.

2. Hồn thơ lãng mạn và tài hoa của Quang Dũng thể hiện trong đoạn thơ

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

- Người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ bi thương: ngoại hình ốm yếu, tiều tụy: đầu trọc, nước da xanh xao như màu lá do sốt rét, thiếu thốn, gian khổ.

- Nhưng từ trong bi thương ấy, người lính Tây Tiến vẫn toát lên vẻ hào hùng, khí phách, tâm hồn hào hoa. Bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu bên ngoài và tâm hồn đầy khí phách bên trong đã làm nổi bật khí chất mạnh mẽ của người lính.

+ “Không mọc tóc”: là cách nói ngang tàng, độc đáo, như là người lính không cần, không thèm mọc tóc. Cách nói rất lính, thể hiện sự hóm hỉnh vui đùa của người lính với khó khăn gian khổ trong kháng chiến.

+ Thể hiện qua cách dùng từ Hán Việt “đoàn binh”. Chữ “đoàn binh” có âm vang mạnh mẽ hơn chữ“đoàn quân” đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường, đầy hùng dũng, phi thường của người lính.

+ Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt như vị thế oai phong của chúa sơn lâm. Dường như, ở miền đất hoang sơ, bí ẩn đầy đe dọa với “cọp trêu người” thì người lính Tây Tiến cũng mang trong mình cái “oai hùm” dữ dội, uy nghi để chế ngự và chiến thắng mọi khó khăn.

=>Tài năng của Quang Dũng là miêu tả vẻ ngoại hình mà thấy được bản lĩnh oai phong, dữ dằn, gân guốc, lòng hận thù ngùn ngụt của những người lính trẻ đối với kẻ thù xâm lược. Bằng cảm hứng anh hùng, đoàn quân Tây Tiến hiện lên với vẻ dữ dội của núi rừng chứ không hề gợi vẻ tiểu tụy, ốm yếu dù cuộc sống của người linh trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ, hiên ngang làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ trong chiến đấu. Họ hiện lên với vẻ đẹp kiêu hùng, xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

- “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”: đôi mắt thao thức của những chàng trai Hà Nội nhớ về quê hương, về giấc mộng có bóng hình một “dáng kiều thơm”.Mộng và mơ gửi về hai phía của chân trời: biên giới và Hà Nội.

- Những người chiến sĩ Tây Tiến hầu hết là những chàng trai thị thành khoác áo lính dù ra đi chiến đấu, dấn thân vào gian khổ, họ vẫn luôn mang và giữ một tâm hồn hào hoa, thanh lịch, đa tình, một tâm hồn đầy thơ mộng. Mơ dáng kiều thơm là mơ dáng vẻ kiều diễm, quyến rũ, thanh lịch của những người bạn gái thủ đô ngàn năm văn hiến. Có người cho rằng Quang Dũng viết câu thơ này là không phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Song thực chất đây là một tình cảm hết sức chân thật của người chiến sĩ, nó mang một ý nghĩa nhân văn chân chính bởi thể hiện ước mơ đẹp của con người về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc đẩy người lính ra đi chiến đấu.

=>Những chàng trai của mảnh đất kinh kỳ đầy mộng mơ, họ lên đường ra trận “Tổ quốc gọi chúng tôi sẽ ra đi”, nhưng họ không chỉ biết cầm súng, cầm gươm mà những tâm hồn giàu mơ mộng giữa bao nhiêu gian lao, khắc nghiệt, trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa, về bóng hình của những dáng yêu kiều, diễm lệ hiện về trong nỗi nhớ da diết. Mảnh đất Hà thành với những “dáng kiều thơm” là cõi đi về trong mơ của những người thanh niên Hà Nội. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng tay súng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Bằng thủ pháp dường như đối lập, Quang Dũng đã vừa khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, kiêu dũng, vừa khắc họa được tâm hồn hào hoa và đa cảm của người chiến sĩ Tây Tiến. Núi rửng miền Tây hùng vĩ và hoang sơ, đi trong sự hùng vĩ ấy, sự hoang sơ ấy, những người lính Tây Tiến như được truyền thêm sức mạnh, vững bước vượt qua những gian khổ, hi sinh

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...

- Từ láy “rải rác” là từ chỉ số lượng ít ỏi, thưa thớt nhưng rải rác cả một vùng “biên cương” rộng lớn là những nấm mồ của người xa xứ thì không còn là số ít. Số lượng thương vong không hề nhỏ đó là hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Mặc dù thế nhưng hình ảnh người lính với một tư thế đầy kiêu hãnh “chiến trường đi” – chiến trường là nơi mất mát, hi sinh nhưng họ vẫn trong tư thế đối mặt, chấp nhận “đi”, trong tâm thế “chẳng tiếc đời xanh” và coi “cái chết nhẹ tựa lông hồng” mang nét kiêu hùng của những người chiến binh thuở trước “Nhất khứ bất phục hoàn” góp phần nêu cao vai trò, trách nhiệm trả nợ non sông.

=> Một tâm hồn phơi phới đậm chất lãng mạn bay bổng, một tinh thần lạc quan yêu nước, dẫu cho đi vào nơi bom rơi đạn lửa mà vẫn giữ ý chí sắt đá, không hề nao núng.

- Những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng: “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ”, “chiến trường” kết hợp với từ láy “rải rác” đã làm giảm nhẹ yếu tố bi thương, làm những đau thương vì mất mát lắng xuống, tạo nên sắc thái trang trọng góp phần làm tôn lên vẻ đẹp hào hoa và đậm chất bi hùng của người lính Tây Tiến, vẻ đẹp lãng mạn của lí tưởng quên mình, xả thân vì Tổ quốc. Cách nói “chẳng tiếc đời xanh” vang lên khảng khái khẳng định vẻ đẹp hào hùng của các chàng trai Tây Tiến.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

- Bằng hai chữ “áo bào”, nhà thơ đã nâng cao giá trị, đã tái tạo được vẻ đẹp cao quý: một vẻ đẹp như những người tráng sĩ xưa nơi những người Tây Tiến, vẻ đẹp ấy làm mờ đi thực trạng thiếu thốn ở chiến trường. Tấm “áo bào” gắn bó với người lính trong suốt cuộc hành trình chiến đấu, chứng kiến bao gian khổ ác liệt anh đã phải trải qua, và rồi, theo anh trở về nguồn cội.

=> Những người lính Tây Tiến sẵn sàng chấp nhận gian khổ, đối mặt với sự ác liệt của trận chiến giành lại quê hương. Họ đến với Cách mạng trong tư thế sẵn sàng cho tất cả. Họ không trang bị gì cả ngoài trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Chiếc “áo bào” đơn giản càng tôn thêm nét đẹp cao quý và hào hùng của họ. Họ “về đất”và làm nên đất nước của ngày hôm nay tươi đẹp.

- “anh về đất”: cái chết nhẹ như không, như về lại những gì thương yêu, thân thuộc ngày xưa. Anh về đất là để sống mãi trong lòng quê hương, đất nước. Họ không ra đi mà đã hóa thân thành hình hài núi non, giang sơn đất nước anh hùng. Sự ra đi ấy đã trở thành một nỗi thương tiếc không nguôi, đầy bi phẫn. Và sông Mã thay lời núi sông cất lên lời ai điếu bi hùng:

Sông Mă gầm lên khúc độc hành

- Quang Dũng đã mượn âm thanh của dòng sông, của thiên nhiên, của hồn thiêng Tây Bắc để nói lời từ biệt, lời biết ơn ngợi ca đồng đội. Hình ảnh sông Mã là hình ảnh tượng trưng cho non sông, đất nước, đã tấu lên khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa người lính hi sinh, gợi không khí thiêng liêng, hùng tráng, bay bổng. Câu thơ mang âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng khiến cho sự hi sinh của người lính không hề bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Với tám câu thơ chan chứa niềm thương nỗi nhớ da diết, Quang Dũng đã đưa người đọc trở lại một thời Tây Tiến với biết bao đồng đội mến thương của nhà thơ... Với ngôn ngữ vừa giản dị vừa trang trọng, có tính biểu cảm cao, hình ảnh người lính mang vẻ đẹp độc đáo kiêu hùng nhưng đầy hào hoa, lãng mạn; tất cả đã giúp Quang Dũng tái tạo và khắc họa hình ảnh oai hùng về người lính Tây Tiến. Bằng bút pháp tài hoa và lãng mạn, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh những chiến binh Tây Tiến không chỉ mang vẻ dữ dội, mãnh liệt mà còn mang vẻ đẹp hào hoa, hào hùng thật bi tráng. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ lãng mạn và tài hoa, không chỉ phổ đúng hồn thơ Quang Dũng má còn sáng lên chất thẩm mĩ hiếm thấy.

App đọc sách tóm tắt miễn phí

Ý kiến của bạn