Cảm nhận của em về đoạn văn sau:
Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con bỗng như nổi dậy trong người đó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba…a…a….ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa . Đó là tiếng “Ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “Ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
( Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu đôi nét về Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.
- Giới thiệu hình ảnh anh Sáu, bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà: hai nhân vật thể hiện tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, éo le.
- Giới thiệu đoạn trích trong đề bài: Thuộc khoảng giữ của đoạn trích trong sách giáo khoa. Nằm trong phần thuật lại sự việc lúc anh Sáu chuẩn bị lại đơn vị. Đó là lúc tình cảm cha con của anh Sáu và bé Thu bộc lộ rõ ràng, mãnh liệt và cảm động nhất.
2. Phân tích, cảm nhận
a. Tình cảm cha con sâu nặng được thể hiện trong đoạn trích.
- Học sinh khái quát lại cảm xúc ngỡ ngàng, sự cam chịu của anh Sáu trong ba ngày nghỉ phép khi bé Thu không chịu nhận anh là cha và không chịu nhận sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc mà anh dành cho nó. Đã có lúc không kiềm chế được bản thân anh đã đánh bé Thu.
- Khi chia tay cử chỉ, tâm trạng của anh Sáu và bé Thu thật đặc biệt: anh Sáu chỉ dám đưa mắt nhìn con, vì anh sợ bất cứ sự quan tâm nào của mình cũng sẽ bị bé Thu cự tuyệt, anh chỉ lặng nhìn đứa con yêu quý của mình. Còn bé Thu thì đứng trong góc nhà, đôi mắt đượm buồn, tâm trạng bồn chồn, lo lắng.
- Tình cảm cha con mãnh liệt của anh Sáu và bé Thu được thể hiện rõ nhất trong hành động, ngôn ngữ của bé Thu:
+ Bé Thu; kêu thét lên một tiếng “Ba…a…a…ba” như một tiếng xé, xé cả ruột gan mọi người, tiếng ba đã đè nén bao nhiêu năm nay, tiếng ba từ đáy lòng; nó vừa kêu vừa chạy tới, chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, tóc nó như dựng đứng lên, nó nói trong tiếng khóc, hôn ba nó cùng khắp: hôn tóc, hôn cổ,…
+ Chi tiết bé Thu hôn ba nó cùng khắp, “hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Mặc dù trước đó con bé nhất định không chịu nhận ba chỉ vì vết thẹo ấy. Điều đó mới nghe tưởng như có vẻ mâu thuẫn. Nhưng đặt trong câu chuyện ta sẽ thấy sự thay đổi trong thái độ của con bé là hoàn toàn hợp lí:
Khi ba về phép, Thu nhất định không chịu nhận cha vì ông Sáu mang vết thẹo trên mặt, không giống người cha trong tấm hình chụp chung với má. Điều này thể hiện sâu sắc tình cảm Thu dành cho ba, một người ba duy nhất trong suy nghĩ của em. Nhưng khi nghe bà ngoại giảng giải, Thu hiểu vết thẹo trên mặt ba là chứng tích tội ác của kẻ thù. Sự nghi ngờ được giải tỏa, nó cảm thấy ân hận, hối tiếc. Tình cảm dành cho cha trào dâng trong phút chia tay. Con bé cuống quýt, hối hận, ăn năn hôn lên cả vết thẹo. Với con bé, tất cả những gì thuộc về ba, nó đều yêu thương tha thiết.+ Anh Sáu: bế nó lên, ôm chặt lấy bé Thu và anh đã khóc, khóc vì bé Thu đã nhận ra anh và dành tình cảm cho anh; khóc vì khi hai cha con vừa nhận ra nhau cũng là lúc anh phải lên đường. Đó là giọt nước mắt tình cảm cha con sâu đậm.
=> Tình cảm cha con ấy đã gây nên một xúc cảm mãnh liệt đối với những người chứng kiến: tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng mà còn xé cả ruột gan mọi người, nghe mà xót xa.
b. Nghệ thuật: Tình cảm cha con của anh Sáu và bé Thu đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong đoạn văn giàu chất trữ tình, giàu cảm xúc đã tô đậm tình cảm cha con cao quý của hai cha con trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
3. Đánh giá chung
Một đoạn văn tự sự, có tính chất trữ tình, với những chi tiết đặc sắc đã thể hiện được tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu của chiến tranh.